Saturday, August 23, 2008

Vai trò của PR trong việc xây dựng - quảng bá thương hiệu

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt, đánh giá sản phẩm.

Mỗi doanh nghiệp đều cố gắng tạo một phong cách, một hình ảnh, một ấn tượng, một uy tín riêng cho sản phẩm của mình nhằm đem lại cho sản phẩm hình ảnh riêng dễ đi vào nhận thức của khách hàng, nói cách khác, đưa thương hiệu vào tâm trí khách hàng.

“Doanh nghiệp cần tập hợp các hoạt động nhằm tạo cho sản phẩm và thương hiệu sản phẩm một vị trí xác định trên thị trường” (P. Kotler). Các doanh nghiệp định vị và quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp bằng nhiều phương pháp: thông qua quảng cáo, PR, giá cả hoặc bằng chính sản phẩm, với mục tiêu chung là làm sao đưa thương hiệu vào tâm trí khách hàng.

Trong đó, có thể nói hoạt động PR có tác động tích cực trong việc quảng bá thương hiệu với các chương trình hành động được thiết kế và hoạch định tỉ mỉ, cẩn thận nhằm gặt hái được sự thừa nhận của công chúng và thông tin đến họ những họat động và mục tiêu của doanh nghiệp. PR là một công cụ giao tiếp rất linh hoạt trong lĩnh vực giao tiếp marketing: bán hàng trực tiếp hoặc qua điện thoại, các họat động tài trợ, triển lãm.

PR hiện đang được ứng dụng rộng rãi bởi các tổ chức từ hoạt động phi lợi nhuận đến hoạt động kinh doanh thương mại: hội từ thiện, các tổ chức, đảng phái chính trị, các doanh nghiệp, khu vui chơi giải trí, y tế. Vai trò chính của PR là giúp doanh nghiệp truyền tải các thông điệp đến khách hàng và những nhóm công chúng quan trọng của họ. Khi truyền đi các thông điệp này, PR giúp sản phẩm dễ đi vào nhận thức của khách hàng, hay cụ thể hơn là giúp khách hàng dễ dàng liên tưởng tới mỗi khi đối diện với một thương hiệu.

Ví dụ như tã lót Huggies đã tổ chức một chương trình PR rộng rãi được quảng cáo khá rầm rộ “Bé Huggies năng động” hoặc Unilever vận động chương trình “Gửi tặng đồng phục đi học mà bạn không dùng nữa cho bột giặt OMO” cho các nữ sinh ở các vùng xa. Chương trình này có tính từ thiện, phục vụ cho cộng đồng nên đã tranh thủ được thiện cảm của công chúng. Hoặc các công ty thường thực hiện các chương trình trao học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học.

Trong thời kỳ mà người tiêu dùng liên tục bị tấn công bởi quảng cáo, sáng sớm thức dậy nghe bản tin buổi sáng cũng có quảng cáo, bước ra đường thì bị các bảng quảng cáo đập vào mắt tại các ngả đường, đọc tờ báo buổi sáng cũng thấy quảng cáo. Quảng cáo đang quá tải khiến khách hàng cảm giác khó chịu. Trong khi đó thông điệp PR ít mang tính thương mại do sử dụng các phương tiện trung gian hoặc các bài viết trên báo, vì chứa đựng lượng thông tin đa dạng, phong phú nên dễ gây cảm tình và dễ được công chúng chấp nhận, nó mang tính tư vấn tiêu dùng những thông tin mang tinh thực tế.

PR đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp:

- Tung ra sản phẩm mới
- Làm mới sản phẩm cũ
- Nâng cao uy tín
- Doanh nghiệp có ngân sách hạn chế
- Doanh nghiệp gặp khủng hoảng

PR đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ: Ba lợi ích chính của hoạt động PR cho doanh nghiệp vừa và nhỏ:

1. PR là phương cách tốt nhất để chuẩn bị và tạo dư luận tốt. Quảng cáo không làm được việc này. Marketing cũng vậy. PR làm rất tốt công việc này. PR giúp doanh nghiệp tạo dư luận tốt thông qua sự ủng hộ của giới truyền thông và các chuyên gia phân tích thương mại.

Giữa hoạt động PR và quảng cáo, phương pháp nào hiệu quả hơn - lựa chọn một mẫu quảng cáo về sản phẩm mới của một công ty hay một bài báo hay viết về sản phẩm của công ty? Quảng cáo dễ gây ấn tượng nhưng không dễ dàng thuyết phục công chúng tin.

2. Chi phí cho hoạt động PR thấp hơn các loại hình khuyến mãi khác. Khi so sánh chi phí cho chiến dịch tiếp thị trực tiếp hoặc đăng một mẫu quảng cáo với chi phí cho một thông cáo báo chí đương nhiên mẫu thông cáo báo chí sẽ có một lượng công chúng rộng rãi hơn.

3. PR giúp doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tài giỏi. Thông thường người lao động thích được làm việc cho những công ty nổi tiếng vì họ tin tưởng công ty đó rất vững chắc, và họ có thể có nhiều cơ hội để thăng tiến. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có một số bất lợi trong việc quảng bá thương hiệu. Họ không có ngân sách để quảng cáo, họ cũng không có một bộ phận Marketing riêng. Chỉ có mỗi cách hữu hiệu là quảng cáo truyền miệng (word of mouth).

Trong thực tế ấy, hoạt động PR có thể nói là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp vì nó tạo ảnh hưởng tốt, hữu hình, với chi phí thấp, tạo được tiếng vang khi chuyển tải hình ảnh doanh nghiệp đến công chúng.

Hơn nữa, làm PR sẽ giúp cho doanh nghiệp vượt qua những sóng gió và bão táp. Khi có khủng hoảng, doanh nghiệp đó sẽ tìm được sự ủng hộ, bênh vực, hỗ trợ từ phía cộng đồng (đây là điều kì diệu không thể bỏ tiền ra mua như đăng quảng cáo) trong việc cứu vãn uy tín và giữ gìn nguyên vẹn hình ảnh của doanh nghiệp.

Thursday, August 7, 2008

Duy trì vị trí kết quả công cụ tìm kiếm cho trang web của bạn

10 bí quyết ngắn gọn và dễ áp dụng để đứng hàng đầu trong số những kết quả do công cụ tìm kiếm của khách hàng trình bày.

Bạn đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để đưa trang web của bạn lên một vị trí tốt. Sự đầu tư ấy cuối cùng cũng đem lại hiệu quả, và bạn được nằm trong trang đầu tiên của các kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên sau một hoặc hai tuần, bạn lại thấy trang web của bạn tụt xuống vị trí thứ 5 trong trang một và thứ 3 trong trang hai. Những nỗ lực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm của bạn như vậy có đáng không?

Hãy bình tĩnh! Đừng vội từ bỏ marketing bằng công cụ tìm kiếm. Nếu trang web của bạn có vẻ đang mất đi vị thế, đừng hoảng sợ và hãy quay lại cuộc chơi marketing trên web. Hãy chiến đấu để dành lại vị trí với 10 bí quyết sau đây, và tránh không để trang web của bạn bị chìm dần vào quên lãng.

• Cập nhật nội dung hiện có. Nếu lần cuối bạn cập nhật nội dung trang web đã cách đây khá lâu, giờ là lúc làm việc đó. Hãy cập nhật các đầu đề, phụ đề, và nội dung chính. Hãy nhớ: các “spider” của công cụ tìm kiếm không đơn thuần là tìm kiếm bất kỳ thông tin nào; chúng tìm kiếm thông tin mới và có chứa nhiều từ khóa.

• Thêm nội dung mới. Hãy đảm bảo có ít nhất 200 từ trên trang chủ và trang đích của bạn. Nếu không đủ thì hãy bổ sung thêm. Nếu đã đủ, hãy thêm 50 hay 100 từ nữa. Và đừng quên những từ khóa.

• Thêm các trang mới. Nếu bạn đang cố gắng tối ưu hóa một trang web nhỏ hay trang web chủ yếu chỉ có hình ảnh, hãy thêm các trang nội dung. Tính đến việc thêm nhiều trang đích, các bài báo, blog, lưu trữ bản tin, sơ đồ trang, v.v…

• Thêm các đường dẫn nội bộ trong trang. Hãy liên kết mỗi trang với trang chủ (tức là trang chính, trang giới thiệu, hay trang về các sản phẩm, v.v…) Những đường dẫn chính nên đặt gần đầu trang (tức là gần công cụ dẫn đường ở đầu hay bên lề) và nên được nhắc lại ở cuối mỗi trang. Đường dẫn đến các trang đích nằm bên trong nội dung chính. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các hình ảnh làm đường dẫn đến các trang khác trong nội bộ.

• Thêm các đường dẫn tới trang web của bạn từ những trang web khác có liên quan. Điểm mấu chốt ở đây là từ “liên quan”. Hãy thêm đường dẫn từ những trang quan trọng, ví dụ như quảng cáo trực tuyến, báo chí xuất bản trực tuyến (Bí quyết: Tạo một dòng chữ ký), những nhóm và tổ chức chuyên nghiệp, những nhận xét từ các trang web của khách hàng, v.v...

• Đổi tên trang. Hãy kết hợp các từ khóa của bạn vào tên trang. Đừng nên chỉ gọi trang giới thiệu là “Giới thiệu”. Hãy gọi nó là giới thiệu_từ khóa.htm. Chẳng hạn, tôi là một người chuyên đưa ra những ý tưởng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm có trụ sở tại Atlanta, vậy trang giới thiệu của tôi là: about_Atlanta_seo_copywriter.htm.

• Đổi tên hình ảnh. Nếu những hình ảnh của bạn có tên chung chung, hãy đổi tên cho chúng để kết hợp với từ khóa. Ví dụ, nếu bạn là một chuyên gia huấn luyện chó tại Houston, đừng đặt tên hình ảnh là littledogpics.jpg; thay vào đó, hãy đặt tên là Houston_dog_sitter_littledogs.jpg.

• Cập nhật các alt tag (phần khai báo thông tin về hình ảnh trong HTML). Hãy thêm các alt tag cho hình ảnh của bạn. Đảm bảo rằng các từ khóa có trong đó. Thí dụ, nếu bạn là một thợ chuyên sơn nhà riêng, alt tag của bạn nên đặt là: alt="residential_painter_tên bạn."

• Cập nhật các meta tag. Thay thế các từ khóa không liên quan. Giới hạn các từ khóa trong meta tag và mô tả vào các từ và cụm từ khóa đã sử dụng trong trang. Thường xuyên làm mới meta tag mô tả của bạn.

• Cập nhật tiêu đề trang. Cập nhật tiêu đề vài tuần một lần hoặc mỗi tháng. Nếu bạn thêm trang mới bằng cách sao chép một trang hiện có, hãy chắc chắn rằng tiêu đề trang và từ khóa trùng khớp với nội dung của trang.

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là một quá trình vấn đang diễn ra, nó đòi hỏi ta phải đầu tư thời gian, có kỹ năng và sự kiên nhẫn. Hãy lên lịch cập nhật định kỳ và giữ cho từ khóa và nội dung luôn mới mẻ, và bạn sẽ dễ dàng giữ được vị trí của mình. Nếu bạn bực tức vì không có được kết quả mình mong đợi, đừng vội bỏ cuộc; có thể phải mất vài tuần mới nhận ra hiệu quả mong muốn. Nếu bạn vẫn gặp vấn đề, hãy tính đến việc thuê một nhà tư vấn hay một chuyên gia về các ý tưởng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.